Nhiễm trùng đường tiểu hay nhiễm trùng tiết niệu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó người cao tuổi chiếm một tỉ lệ đáng kể.
Các phần thuộc đường tiểu gồm niệu đạo, bàng quang, niệu quản và thận. Mọi nguyên nhân khiến đường tiểu bị cản trở hoặc tổn thương đều có thể gây nên nhiễm trùng đường tiểu.

Ở người cao tuổi có thể bị nhiễm trùng tiểu trên: viêm thận bể thận, áp-xe quanh thận, áp-xe thận và nhiễm trùng tiểu dưới: viêm bàng quang, viêm tiền liệt tuyến, viêm niệu đạo. Do người lớn tuổi hay gặp các rối loạn về tâm thần (sa sút trí tuệ) và tiểu không kiểm soát được nên nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn các nhóm tuổi khác.
Nguyên nhân của bệnh nhiễm trùng đường tiểu
Nguyên nhân chính (80%) gây ra nhiễm trùng đường tiểu là do vi khuẩn, điển hình là E. Coli, Proteus, Citrobacter… chúng cũng có thể lan truyền từ các cơ quan khác đến. Những người già phải đặt ống thông tiểu hay sống ở viện dưỡng lão thì các vi khuẩn thường gặp là tụ cầu và liên cầu.
Yếu tố nguy cơ thứ 2 gây nhiễm trùng đường tiểu ở người già là: bí tiểu và bàng quang, bệnh thần kinh, tiểu đường, Parkinson… Quần lót không được thay giặt thường xuyên cũng là yếu tố thuận lợi cho nhiễm trùng.
Một vài yếu tố nguy cơ khác được kể đến như:
- Tiền sử nhiễm khuẩn tiết niệu trước đó
- Bệnh mất trí nhớ
- Đặt ống thông tiểu
- Tiểu không tự chủ
- Đại tiện không tự chủ
- Sa bàng quang
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh ở nam giới cao tuổi như:
- Sỏi bàng quang
- Sỏi thận
- Phì đại tiền liệt tuyến
- Viêm tiền liệt tuyến mạn tính
- Đặt ống thông tiểu

Một số trường hợp do tổn thương niêm mạc đường tiểu như: Viêm nhiễm, tác động cơ học do đặt ống thông tiểu, soi thăm dò đường tiểu, tán sỏi, nong niệu đạo; u xơ tiền liệt tuyến, các khối u trong đường tiểu (ung thư bàng quang, ung thư thận) hoặc u ngoài đường tiểu chèn ép hoặc do liệt hoặc tai biến mạch máu não.
Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng đường tiết niệu
Bị nhiễm trùng đường tiểu (đường tiết niệu) bao giờ cũng có sốt, ngay cả nhiễm trùng mạn tính (thường sốt nhẹ). Trong các trường hợp nhiễm trùng đường tiểu bao giờ cũng có sốt, đôi khi chỉ hơi sốt nhẹ. Tuy nhiên, với người cao tuổi sức yếu, nằm lâu, ít vận động có thể sẽ không sốt.
Kèm theo sốt là đau bụng. Đau ở vị trí nào của vùng bụng tùy thuộc vào tổn thương nhiễm trùng ở vị trí nào của đường tiểu:
- Sốt và đau phần bụng ngang vùng thắt lưng, có thể do nhiễm trùng ở thận hay ở niệu quản.
- Nhưng khi bị nhiễm trùng bàng quang hay niệu đạo, sẽ có đau bụng dưới (hạ vị) là chính.
- Đau bụng vùng đối diện ngang thắt lưng và có sốt, nếu đau phía bên phải ngang với hố chậu phải cần cảnh giác với viêm ruột thừa (hoặc vừa bị nhiễm trùng đường tiểu vừa bị viêm ruột thừa).
Hay gặp nhất của đau bụng dưới là nhiễm trùng đường tiểu dưới như viêm bàng quang hoặc viêm niệu đạo. Người bị nhiễm trùng đường tiểu dưới thường thấy đau âm ỉ và kéo dài nhiều ngày.
Bên cạnh đó, người cao tuổi bị viêm tiết niệu thường có dấu hiệu đi tiểu nhiều lần, tiểu khó (buồn đi tiểu nhưng không tiểu được) và có thể tiểu đau, buốt, nước tiểu có thể đục, có thể tiểu ra máu (nước tiểu màu hồng).

Viêm đường tiểu do sỏi tiết niệu, triệu chứng đau có khi rất dữ dội: cơn đau quặn thận; đau do sự kích thích của sỏi tác động vào hệ thần kinh niêm mạc đường tiểu, do ứ trệ nước tiểu, hoặc do tổn thương niêm mạc đường tiểu bởi sự viêm nhiễm.
Ngoài sốt, đau bụng, các triệu chứng đi kèm khi bị sỏi tiết niệu là: đái rắt, đái buốt, đái đục, đái mủ, thậm chí có máu. Là những dấu hiệu thường có trong nhiễm trùng đường tiểu, đặc biệt là viêm bàng quang, viêm niệu đạo mà người cao tuổi nên chú ý.
Viêm đường tiết niệu (nhiễm trùng đường tiểu) ở người cao tuổi nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị tốt có thể gây ra một số biến chứng rất nguy hiểm như: viêm thận, bể thận cấp tính hậu quả là suy thận, áp-xe quanh thận. Viêm đường tiết niệu cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết – một biến chứng cực kỳ nguy hiểm đối với tính mạng người bệnh.